Chúng tôi lên xã Thượng Hóa (huyện Minh Hóa) - được mệnh danh là "đỉnh trời" của dãy Trường Sơn phía Tây Quảng Bình. Khí trời mùa này vẫn còn se rét, nhưng bụng dạ đồng bào dân tộc Rục, Sách nơi miền sơn cước này đang ấm lắm. Ấm bởi nay họ đã biết dựng nhà kiên cố để ở, biết trồng cây lúa nước để đủ gạo ăn quanh năm…
Hành trình rời hang núi
Cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, ở Quảng Bình xuất hiện lời đồn về "người nguyên thủy" ở vùng núi rừng hoang vu phía Tây tỉnh này. Đó là trong một chuyến tuần tra biên giới, tổ tuần tra biên giới Đồn CAND vũ trang Óc Sách (nay là đồn Bộ đội Biên phòng 585) đã phát hiện một nhóm người mình trần, chân đất, đóng khố bỏ chạy tán loạn khi thấy họ.
Một chuyến "nằm vùng", ăn ngủ với rừng suốt 5 tháng dài đến ngày 12/09/1959, tiểu đội của Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã phát hiện ra tung tích của "người nguyên thủy". Nhưng cứ đến gần là họ cắm cổ chạy vào rừng sâu. Nhưng các chiến sĩ Biên phòng vẫn kiên trì theo dõi. Rồi nhờ sự giúp đỡ của các già làng, trưởng bản của dân tộc Chứt (34 "người nguyên thủy" ấy là đồng bào người Rục, một nhóm nhỏ của dân tộc Chứt), Biên phòng đã tiếp cận được họ trong một hang sâu tối thuộc Phong Nha - Kẻ Bàng.
Và cuộc "ly cốc, hạ sơn" bắt đầu khi lực lượng Biên phòng vận động họ về định cư tại 2 bản Ón và Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hoá.
Nhưng hành trình ấy đâu dễ đổi thay khi tập quán săn bắt, hái lượm đã ăn sâu tận trong máu thịt của đồng bào. Khoảng những năm 1972 - 1973, Mỹ - ngụy điên cuồng dội bom đạn xuống vùng này để mở rộng chiến tranh. Người Rục lại bị lãng quên. Năm 1989, trận dịch sởi quét qua đã khiến 20 người Rục mất mạng. Quá kinh hãi, những người Rục cuối cùng lại quay về rừng.
Quá nhiều biến cố, không dưới 3 lần người Rục đã bỏ bản làng lên những hang đá sâu, về sống đời nguyên thủy. Nhưng sau mỗi lần như thế, Biên phòng cùng cán bộ xã Thượng Hóa lại theo sau vận động về bản. Để bây giờ, anh cán bộ Tư pháp xã cứ sang sảng: "Người Rục ư? Họ có gần 110 hộ với gần 450 nhân khẩu rồi".
Cuộc "hôn nhân" giữ lúa nước và "người rừng"
Đưa người rừng về đã khó, làm cho họ no cái bụng để định cư còn khó gấp bội phần. Câu chuyện đưa cây lúa nước lên với đồng bào Rục được ví như là một cuộc hôn nhân đầy phúc hạnh mà Biên phòng là người se duyên.
"Đưa được bà con về, cũng mừng lắm nhưng phải tính kế lo cho bà con có kinh tế ổn định nữa mới yên lòng. Năm 2009, đơn vị bàn bạc nhiều lần và quyết định trồng thử 2 ha lúa nước để giải quyết lương thực tại chỗ cho bà con. Cuối vụ, lúa thu về rất năng suất. Lại sướng rơn! Thế là năm 2010, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh kiến nghị lên UBND tỉnh thực hiện dự án lúa nước Rục Làn gieo cấy trên 10 ha ruộng" - Trung tá Trịnh Thanh Bình, Đồn trưởng Đồn biên phòng 585, kể.
Nhưng đâu dễ, bà con người Rục vốn chỉ quen với bản năng lấy từ núi rừng để ăn, để sống chứ có ai biết hay nghĩ đến cấy trồng là cái chi? Đưa giống, phân lên, các chiến sĩ đồn 585 lại xắn quần xuống ruộng gieo cấy trước cho bà con thấy để làm theo. Từng chiến sĩ đến bên từng người, từng đám ruộng, nắm tận tay bà con để hướng dẫn từng đường cày, đường cấy.
Sau 2 năm 4 vụ, thành công đã thấy rất rõ ràng. Người Rục ở Thượng Hoá đã thạo lắm cái việc cày ra đường thẳng, cấy cây lúa đẹp, cầm liềm gặt nhanh tay và hạt lúa đã chất đầy bồ.
Một trong những người Rục tiên phong tán thành cao việc thực hiện dự án lúa nước Rục Làn là ông Cao Tiến Thuỳnh, giờ gặp chúng tôi cứ chỉ ra cánh đồng mà cười khà khà: "Các cán bộ chừ không lo nữa. Bởi giao ruộng cho bà con, lịch thời vụ, chăm bón, phun thuốc bà con đã quen biết hết". Ông Thuỳnh thật thà cho biết, vụ Đông – Xuân vừa rồi nhà ông đưa về đổ trong bồ gần 1 tấn thóc. Cả bản ni cũng rứa, hết lo đói ăn rồi. Dự án lúa nước Rục Làn đang phục vụ cho 115 hộ tham gia sản xuất. Trước tổ chức sản xuất theo kiểu hợp tác xã, bây giờ chuyển sang việc giao luôn ruộng lúa cho bà con rồi.
"Nếu không có cán bộ Biên phòng thì bà con Rục chắc bây giờ vẫn ở trong hang đá thôi. Làm sao biết nuôi trồng, biết cấy lúa, biết dựng cái nhà để ở được? Đồng bào mình suốt đời không quên ơn" – ông Cao Văn Khoan (56 tuổi), người ở bản Mò O Ồ Ồ, tâm sự.
Những mầm xanh mơn mỡn sẽ hứa hẹn một mùa vàng bội thu
Đồn trưởng Đồn 585 Trịnh Thanh Bình cho hay: "Sợ mất mùa nhất là vụ Hè – Thu năm 2011 vì lũ lụt xảy ra liên tiếp. Nhưng cuối vụ năng suất lúa vẫn cao, được 4 tấn/ha. Đồn cũng đã tổ chức khảo sát các vùng đất tại xã Hoá Sơn, huyện Minh Hoá để mở rộng phát triển cây lúa nước trong vùng núi đá vôi".
Chiến sĩ đồn Biên phòng 585 cùng bà con đang gieo trồng vụ mới
Nhớ mãi cái hôm xuống đồng gieo cấy. Bí thư chi bộ bản Mò O Ồ Ồ sau thủ tục cúng Giàng, tay nâng chén rượu lên ngang mặt mà khấn: "Hôm ni 16 tháng Giêng, người Rục, người Sách của hai bản Yên Hợp và Mò O Ồ Ồ làm một mâm lễ đạm bạc xin thần núi, thần sông, xin Giàng, xin đất cho đồng bào xuống đồng, cùng với bộ đội biên phòng Đồn 585 - Cà Xèng làm nên một mùa lúa mới bội thu, để từ đây cánh đồng lúa Rục Làn mãi mãi xanh tươi, để đồng bào thôi không còn lo đói".
Đặng Tài - Nguyễn Tú